Thế hệ trẻ tôn vinh truyền thống: Chi 1,6 tỷ hát quan họ trong hôn lễ

16:52 06/10/2023

Thế hệ trẻ hiện nay rất tự hào giá trị truyền thống Việt Nam. Ngay cả trong đám cưới - những dịp trọng đại của đời người, họ vẫn muốn thể hiện vẻ đẹp văn hóa quê hương. Thậm chí, dù có phải chi cả tỷ đồng, các bạn trẻ vẫn sẵn sàng chấp nhận.

 
Người trẻ và cách tôn vinh giá trị truyền thống đặc biệt. 
Người trẻ và cách tôn vinh giá trị truyền thống đặc biệt. 

Cô dâu Bắc Giang chi tiền hát quan họ, dựng cảnh Hà Nội tại đám hỏi

Theo đó, cô dâu đã chi hơn 1,6 tỷ đồng để chuẩn bị cho khu vực chụp ảnh phục vụ khách mời. Đặc biệt nhất phải kể đến tiết mục hát quan họ và màn tái hiện không gian phố cổ Hà Nội cùng bức tranh Đông Hồ "Đám cưới chuột".

Báo Dân Trí đăng tải, người đã lên ý tưởng cho đám hỏi này chính là cô dâu Bảo Ngọc (sinh năm 1996, một huấn luyện viên aerobic nổi tiếng). Được biết, chú rể là người Hà Nội nên đã tổ chức rước lễ bằng xích lô. Còn nhà gái đến từ Kinh Bắc đã đáp lễ nhà trai bằng những câu hát quan họ.

Để làm được điều này, đội ngũ âm thanh, ánh sáng, make-up... đã được mời từ Hà Nội và TP.HCM về, mất 4 ngày cho việc dựng và trang trí rạp. Trong 1,6 tỷ đồng, tiền rạp hơn 500 triệu đồng, còn lại là các khoản chi cho những lần di chuyển giữa miền Nam và miền Bắc gặp gỡ ê-kíp.

 
Quan khách thích thú khi được nghe hát quan họ ngay tại đám cưới. (Ảnh: Dân Trí)
Quan khách thích thú khi được nghe hát quan họ ngay tại đám cưới. (Ảnh: Dân Trí)

 
Cô dâu rất vui vì đã có thể mang nét đẹp quê nhà vào ngày trọng đại của bản thân. (Ảnh: Dân Trí)
Cô dâu rất vui vì đã có thể mang nét đẹp quê nhà vào ngày trọng đại của bản thân. (Ảnh: Dân Trí)

Cô dâu Bắc Giang trang trí cổng cưới bằng 100kg vải thiều

Chỉ vài tháng trước đó cũng có một cô dâu ở Bắc Giang đã mang cả đặc sản quê nhà vào đám cưới của mình. Đó là cô nàng Trần Diệp Anh (23 tuổi, đến từ thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn). Thay vì dùng hoa như những đám cưới thông thường, cô dâu lại cùng bạn bè, người thân mua 100kg vải thiều, tự kết thành chiếc cổng cưới đẹp mắt.

Đáng nói, ngay ở khu vực cổng chào còn có một chiếc bản đồ Việt Nam cỡ lớn, với chất liệu làm bằng vải và hoa tươi. Sợ bị thâm, nhà gái còn cử người trông nom, cứ cách 15 phút lại xịt nước một lần. Chia sẻ về điều này, chị Toàn (mẹ cô dâu) nói cùng báo VnExpress: "Hôn lễ của các con tổ chức đúng mùa vải thiều chín rộ nên muốn mua ủng hộ người trồng, sau có thể quảng bá hình ảnh nông sản của địa phương đến bạn bè các tỉnh. Hành động bột phát nhưng tôi không ngờ lại nhận được sự đón nhận từ mọi người".

Cũng nhờ chiếc cổng "có một không hai" này mà quan khách đến dự đám cưới có dịp chụp hình nhiều hơn. Anh Quang Đoàn - nhiếp ảnh gia tại đám cưới bày tỏ: "Sinh ra và lớn lên ở đất vải nên khi nhìn thấy cổng rạp cưới vừa rẻ, vừa đẹp lại mang nhiều giá trị khiến tôi càng thêm tự hào. Vì cái cổng độc lạ này mà số khách yêu cầu được chụp ảnh tăng đột biến".

 
Mọi chi tiết đều mang đậm chất Lục Ngạn, Bắc Giang. (Ảnh: Báo Công Thương)
Mọi chi tiết đều mang đậm chất Lục Ngạn, Bắc Giang. (Ảnh: Báo Công Thương)

Cổng cưới lá dừa "độc nhất vô nhị" đúng chất miền Tây sông nước

Nhắc đến miền Tây sông nước, không thể không nhắc đến những chiếc cổng cưới có chất liệu cây nhà lá vườn. Nổi tiếng gần đây là chiếc cổng cưới lá dừa, tuy giản dị, mộc mạc nhưng lại thể hiện dấu ấn văn hóa truyền thống của quê nhà.

Với bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ, chiếc cổng đã được tạo hình một cặp long phụng, biểu thị cho sự hòa hợp, sum vầy, may mắn và thịnh vượng. Ở một số nơi, người ta còn tận dụng cả lá chuối, cau ớt...

 
Chiếc cổng được làm từ chất liệu cây nhà lá vườn. (Ảnh: Gia Đình)
Chiếc cổng được làm từ chất liệu cây nhà lá vườn. (Ảnh: Gia Đình)

 
Rất nhiều bạn trẻ check-in với chiếc cổng cưới đậm chất miền Tây này. (Ảnh: Gia Đình)
Rất nhiều bạn trẻ check-in với chiếc cổng cưới đậm chất miền Tây này. (Ảnh: Gia Đình)

 
Chiếc cổng cưới độc đáo khiến nhiều người thích thú. (Ảnh: Gia Đình)
Chiếc cổng cưới độc đáo khiến nhiều người thích thú. (Ảnh: Gia Đình)

Mỗi người trẻ lại có một cách tôn vinh giá trị truyền thống khác nhau. Mong rằng tinh thần tốt đẹp này sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.

CHẤT LIỆU VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VIỆT TRONG NHẠC TRẺ ĐƯƠNG ĐẠI

Những năm trở lại đây, thị trường nhạc Việt ngày càng đa dạng thể loại hơn. Đặc biệt, trong nhiều tác phẩm còn có sự xuất hiện rõ nét của các chất liệu truyền thống, tạo nên sự thân thương, quen thuộc với công chúng ở mọi lứa tuổi. Có thể kể đến như Thị Mầu, Mời trầu, Đẩy xe bò...

Nói về điều này, Thịnh Kainz, thành viên nhóm DTAP – người đứng sau bản hit Để Mị nói cho mà nghe chia sẻ: "Ca dao, tục ngữ, lời ru, những tác phẩm văn học… đều là chất liệu và nguồn cảm hứng cho âm nhạc. Đây cũng là cách thể hiện tình yêu dân tộc của những người làm nghệ thuật và cơ hội để truyền bá văn hóa cho thế hệ trẻ".