Những quán ăn rẻ nhất Sài Gòn, dù thế nào cũng bán dưới 10 nghìn đồng

14:49 18/08/2023

Thời gian trôi qua, vật giá không ngừng leo thang, thế nhưng giữa Sài Gòn hoa lệ và tấp nập vẫn có không ít quán ăn dù thế nào cũng nhất quyết không chịu tăng giá bán, luôn giữ ở mức dưới 10 nghìn đồng. Ngay cả khi bản thân suýt phá sản, lời lãi chẳng đáng là bao, họ cũng chẳng bận tâm.

 
Dù giá thành thấp nhưng chất lượng món ăn vẫn được đảm bảo.
Dù giá thành thấp nhưng chất lượng món ăn vẫn được đảm bảo.

Quán cháo 1 nghìn đồng, bao năm giá vẫn vậy

Nhắc đến những quán ăn rẻ nhất Sài Gòn, các member Cột sống Gen Z liền gọi ngay tiệm cháo trắng với cái tên thân thương "Về đây em", nằm tại đường Phan Văn Khỏe (Phường 5, quận 6, TP.HCM). Thanh Niên đăng tải, quán được mở từ năm 2003, chủ là ông Lê Công Minh (69 tuổi) và bà xã Nguyễn Thị Kim Phượng (56 tuổi).

Mỗi bát cháo trắng ở đây chỉ có giá 1 nghìn đồng/tô. Nếu muốn, khách có thể thoải mái gọi thêm đồ ăn kèm như kho quẹt, dưa mắm, củ cải, hột vịt muối... Mỗi thứ dao động từ 3 đến 10 nghìn đồng, so với thị trường vẫn là rất rẻ.

Lý giải về việc tại sao không tăng giá bán, ông Minh bày tỏ: "Trước đây khi tờ 500 đồng vẫn còn được sử dụng rộng rãi thì một tô cháo có giá 500 đồng. Do khu này toàn những người phụ hồ, công nhân nghèo. Quán bán giá đó lâu rồi nên giờ tăng giá đột ngột cũng không được. Sau này vật giá leo thang, tờ 500 đồng cũng không được lưu hành nữa nên tăng lên 1 ngàn đồng".

 
Ngoài cháo, quán còn bán thêm vô vàn topping khác nhau. (Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam)
Ngoài cháo, quán còn bán thêm vô vàn topping khác nhau. (Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam)

 
Giá bán khiến nhiều khách hàng giật mình vì quá đỗi rẻ. (Ảnh: Samlacareview)
Giá bán khiến nhiều khách hàng giật mình vì quá đỗi rẻ. (Ảnh: Samlacareview)

Quán bún riêu 10 nghìn đồng/tô, 1 tiếng đã hết sạch

Năm tháng trôi qua, vật giá leo thang, các nhà hàng, quán ăn cũng theo đó mà tăng giá bán không ngừng. Thế nhưng quán bún riêu của bà Cả (65 tuổi) trên đường Trương Minh Ký (phường 13, Quận Gò Vấp) vẫn quyết giữ mức dưới 10 nghìn đồng/tô. Có lẽ cũng vì vậy nên lúc nào nơi đây cũng kín chỗ, khách ghé đến hầu hết là những người lao động bình dân. Chỉ trong vòng 1 tiếng (từ 6h30 đến chừng 7h30 sáng), bún đã được bán hết, ai tới trễ chỉ đành mang bụng đói ra về.

Nói về giá bán, bà Cả tâm sự với Thanh Niên: "Thực ra 10 nghìn đồng là mới tăng cỡ 1 năm nay thôi. Trước đó là 7 nghìn đồng, trước đó nữa là 5 nghìn đồng. Tôi bán giá rẻ cho mấy người lao động nghèo có bữa sáng no bụng. Bán rẻ nhưng làm rất có tâm, sạch sẽ và ngon chứ không phải rẻ là mình muốn nấu sao thì nấu".

Bà cũng thừa nhận tiền lời chẳng đáng là bao, chủ yếu dành cho việc đi chợ hằng ngày. Đối với bà, quán bún này không phải là công cụ kiếm tiền đơn giản, mà to lớn hơn cả là niềm vui trong cuộc sống, khi bản thân được quây quần nấu bữa sáng cho những thực khách xa gần, thấy được ý nghĩa của tuổi già vẫn lao động kiếm tiền.

 
Chỉ một bát bún 10 nghìn đồng là đủ để thực khách no bụng. (Ảnh: Thanh Niên)
Chỉ một bát bún 10 nghìn đồng là đủ để thực khách no bụng. (Ảnh: Thanh Niên)

Quán bánh canh 10 nghìn đồng/tô, từng suýt phá sản vì không chịu tăng giá

Giống như quán bún riêu của bà Cả, quán bánh canh Mỹ Tho của vợ chồng anh Phương nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển (Quận 8, TP. HCM) cũng luôn giữ mức giá 10 nghìn đồng/tô. Gần 4 năm buôn bán, có những lúc suýt phá sản, thế nhưng quán vẫn chưa từng thay đổi bảng giá của mình.

Mỗi bát bánh canh 10 nghìn đồng sẽ bao gồm thịt nạc, da heo và huyết hoặc một cọng sườn. Nếu ai muốn ăn thêm mực ống, tôm càng, gò heo, chỉ cần bỏ thêm 25 nghìn đồng là có. Mỗi ngày, vợ chồng anh Phương bán khoảng 500 - 600 bát bánh canh 10 nghìn. Khách hàng chủ yếu là dân lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ về tiệm của mình, anh Phương nói với Vietnamnet: "Tôi chọn bán ở Quận 8, nơi có nhiều dân lao động, mong rằng quán ăn của mình có thể giúp họ phần nào. Tôi cũng không biết mình lời ra sao, tôi bán được là nhờ vào số đông, nhờ vào những người họ yêu quý quán mình rồi đến đây ăn thường xuyên. Trước đó, tôi cũng suýt phá sản mấy lần rồi".

 
Mỗi bát bún đều được làm bằng cả tấm lòng. (Ảnh: Vietnamnet)
Mỗi bát bún đều được làm bằng cả tấm lòng. (Ảnh: Vietnamnet)

 
Nhiều người ở xa còn đến tận nơi mua mang về. (Ảnh: Vietnamnet)​
Nhiều người ở xa còn đến tận nơi mua mang về. (Ảnh: Vietnamnet)​

Quán cháo huyết hơn 40 năm vẫn chỉ 5 nghìn đồng/tô

Tại đường Nguyễn Hữu Hào (Quận 4) cũng có một quán cháo hơn 40 năm vẫn giữ mức giá 5 nghìn đồng/tô. Dân Trí đăng tải, chị Phan Thị Thu Hồng là đời chủ thứ 2, trước đó quán do mẹ chồng chị mở ra. Ban đầu, gánh cháo này là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Thế nhưng đến nay, hai con của chị Hồng đã khôn lớn, có công việc ổn định, chị chỉ kinh doanh để lấy niềm vui cho đời.

Đáng nói, dù là thời điểm nào, chị cũng đặt việc giúp đỡ người nghèo khổ lên hàng đầu. Chị kể: "Trước khi truyền nghề cho tôi, mẹ chồng có dặn dò kỹ con ơi con, nhớ giữ nồi cháo để giúp đỡ người nghèo… Vì thế, từ mấy chục năm nay, tôi vẫn nghe theo lời dặn của mẹ, cố gắng giữ lấy mức giá thấp nhất có thể nhưng chất lượng nồi cháo không đổi. Tôi mong muốn giúp những khách lao động có thu nhập thấp có bữa ăn sáng để họ đi làm".

Tuy giá rẻ nhưng chất lượng luôn được đảm bảo. Mỗi phần cháo 5 nghìn đồng sẽ bao gồm thịt heo, huyết, da heo luộc, tôm khô, rau giá, gừng,… Khách có thể gọi thêm bánh quẩy giá 3 nghìn đồng/chiếc để ăn kèm.

Nói thêm về quán cháo của mình, chị Hồng bày tỏ: "Tôi mong là nồi cháo này vẫn sẽ được truyền thêm nhiều thế hệ nhưng cũng phải giữ mức giá thấp như thế này để còn giúp người lao động thu nhập thấp. Giúp họ có được phần ăn trước khi vào giờ làm là bản thân tôi vui lắm".

 
Quán của chị Hồng được nhiều người biết đến với cái tên "quán cháo hào sảng". (Ảnh: VnExpress)
Quán của chị Hồng được nhiều người biết đến với cái tên "quán cháo hào sảng". (Ảnh: VnExpress)

 
Một tô cháo đầy đặn chỉ có giá vỏn vẹn 5 nghìn đồng. (Ảnh: VnExpress)
Một tô cháo đầy đặn chỉ có giá vỏn vẹn 5 nghìn đồng. (Ảnh: VnExpress)

 

Lý do hàng đầu khiến những quán ăn trên dù thế nào cũng quyết bán giá rẻ là bởi họ muốn mang lại một bữa ăn ấm no cho người lao động nghèo. Ở Sài Gòn cũng có không ít quán ăn chỉ bán tình nghĩa, nhận nụ cười chứ không mong cầu tiền bạc, phú quý. Đây cũng là nét "hào sảng" đặc trưng của người dân nơi đây. Nếu yêu thích ẩm thực và con người Sài Gòn, mọi người có thể theo dõi thêm nhiều bài viết tương tự khác trên YAN.

NHỮNG CON ĐƯỜNG ĂN UỐNG NỔI TIẾNG SÀI GÒN

Không thể phủ nhận, ẩm thực Sài Gòn rất đa dạng và muôn màu. Thậm chí có những con đường còn rất nổi tiếng về đồ ăn ngon, bất kỳ du khách nào cũng nên ghé đến thưởng thức. Ví như đường Cô Giang (Quận 1), Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3), đường 20 Thước (Quận 4), Tôn Đản (Quận 4)...

Dù là địa điểm nào thì mọi người vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp ẩm thực Sài Gòn. Đáng nói, chẳng cần mất quá nhiều tiền bạn vẫn có được chiếc bụng no đấy.

Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY!