Những người bạn xem nhẹ chữ tín, dễ dàng "bùng kèo" không nghĩ cho ai

15:52 05/09/2023

Việc hủy hẹn, "bùng kèo" phút chót đã trở thành hiện tượng thường xuyên xảy ra trong đời sống. Có những người bất cứ ai rủ rê cũng đồng ý ngay lập tức một cách vui vẻ, hào hứng, thế nhưng, đến sát giờ lại đột nhiên bận, hỏng xe, bỗng đau ốm,... Đáng nói, tần suất những lần "bùng kèo" không phải ít khiến cho người hẹn hụt hẫng hết lần này tới lần khác. 

 
Chuyện thường xảy ra trong cuộc sống, ai chẳng đôi lần bị "bùng" hẹn. 
Chuyện thường xảy ra trong cuộc sống, ai chẳng đôi lần bị "bùng" hẹn. 

Thời đại vàng của "văn hóa bùng kèo"

Tại Cột Sống Gen Z, nhiều người bày tỏ rằng họ thường xuyên bị bạn bè của mình "bùng hẹn" một cách đột ngột khiến bản thân không vui vẻ. Thử tưởng tượng bạn đã chuẩn bị mọi thứ cho bữa tối cùng cô bạn, thế nhưng chỉ còn chưa đầy một giờ đồng nữa cô ấy lại báo bận không thể đi. Lúc ấy, cảm xúc hụt hẫng, thất vọng là điều không tránh khỏi. 

- "Tôi thường xuyên bị bạn bè cho 'leo cây'. 1, 2 lần đầu cảm thấy bình thường nhưng đến lần thứ 3 và nhiều hơn bản thân mình cũng không vui vẻ. Để sắp xếp hẹn với họ, tôi cũng phải cân đối thời gian, công việc của mình. Liên tục bị 'bùng kèo' rất mất thời gian". 

- "Ai trong đời mà chẳng bị 'bùng kèo'. Đi ăn, đi cà phê, đến đi du lịch sát ngày vẫn bị bạn hủy phút chót. Cũng chẳng biết trách thế nào vì họ nói họ bận, thiết nghĩ nếu không chắc chắn sẽ tham gia thì đừng hứa hẹn".

- "Hẹn bạn đi du lịch hẹn lên xuống mới chốt được lịch. Tưởng thành công nào ngờ gần ngày đi vẫn bị 'bùng' như thường".

 
Những chuyến du lịch cùng hội bạn thân có tỷ lệ "bùng kèo" cao. (Ảnh minh họa: Freepik)
Những chuyến du lịch cùng hội bạn thân có tỷ lệ "bùng kèo" cao. (Ảnh minh họa: Freepik)

Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho một người bỗng nhiên hủy hẹn vào phút chót. Đầu tiên, họ thực sự có việc đột xuất, lý do bất khả kháng là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp này, bạn nên thông cảm vì có lẽ bản thân người hủy hẹn cũng không mong muốn điều đó xảy ra. 

Thế nhưng, không phải tất cả những người "bùng kèo" đều như thế. Đã có nhiều cuộc khảo sát diễn ra và cho thấy trong một cuộc hẹn khoảng 30% người tham gia có xu hướng "bùng kèo" nếu muốn, thậm chí hơn 50% chấp nhận lời mời nhưng không có ý định đi. Điều đó có nghĩa, nhiều người cho rằng việc hủy hẹn đột xuất gần như không có vấn đề gì, họ có thể đồng ý tham gia nhưng có đến hay không phải tùy thuộc vào tâm trạng sau đó. 

 
Dễ dàng "bùng kèo" theo cảm xúc cá nhân.
Dễ dàng "bùng kèo" theo cảm xúc cá nhân.

 
Người bị "bùng" hẹn hẳn cũng không vui vẻ. 
Người bị "bùng" hẹn hẳn cũng không vui vẻ. 

Tâm lý sẵn sàng hủy hẹn phút chót còn là kết quả của lối sống bận rộn. Vì công việc mà nhiều người phải duy trì cho mình một mạng lưới quan hệ xã hội. Nhân cách hướng nội cũng phải gồng mình hướng ngoại trở nên thân thiện, hòa đồng, cố gắng nói "có" với mọi lời mời, trước mặt không có cách nào từ chối nên đành đồng ý. Thế nhưng, sau đó, việc tham gia những cuộc hẹn này khiến họ mệt mỏi và kết quả là nhắn tin để "bùng kèo". 

Chữ tín có đang bị xem nhẹ?

Nhắn tin hủy hẹn cũng dễ dàng vì họ không phải đối diện với nỗi thất vọng của đối phương, vì vậy, nhiều người thoải mái báo hủy và thấy không có vấn đề gì to tát. Nhưng thực tế, nếu tần suất "bùng kèo" xảy ra nhiều lần, bạn có thể trở thành một người không đáng tin cậy, luôn bị nhớ đến với cái mác thất hứa. Người ta thường xem nhẹ những lời hứa hẹn đi ăn, cà phê, du lịch,... sẵn sàng cho đối phương "leo cây" mà không biết rằng hậu quả bản thân đang dần mất uy tín. Và đối với "nạn nhân" của những lần "bùng kèo" chắc chắn không ai cảm thấy vui vẻ, thoải mái. 

"Trước đây, mỗi lần có hẹn với bạn bè, đến sát giờ cảm thấy không muốn đi, tôi thường nói dối rằng mình có việc đột xuất và hủy hẹn. Tôi lặp đi lặp lại điều này nhiều lần và đến giờ bạn bè cũng không còn muốn có những cuộc hẹn với tôi. Giờ muốn đi chơi, đi ăn cùng các bạn, mọi người đều né tránh vì sợ tôi lại cho họ leo cây" , độc giả H.A chia sẻ. 

 
Nhiều người chọn nhắn tin hủy hẹn một cách dễ dàng. 
Nhiều người chọn nhắn tin hủy hẹn một cách dễ dàng. 

 
Mất uy tín sau những lần "bùng kèo". 
Mất uy tín sau những lần "bùng kèo". 

"Bùng kèo" không chỉ dừng lại ở những cuộc hẹn vui chơi, nhiều bạn trẻ còn "bùng" luôn cả những cuộc hẹn phỏng vấn liên quan đến công việc. Không ít nhà tuyển dụng than rằng họ thường xuyên bị người lao động cho "leo cây", đợi chờ nhưng không ai đến tham gia phỏng vấn dù lúc liên hệ ai cũng tỏ ra hào hứng. Việc "bùng" phỏng vấn cũng tương đương với việc thất hứa, lỡ hẹn. Và chắc chắn, hình ảnh, tên tuổi của bạn sẽ để lại ấn tượng không tốt với doanh nghiệp. Thậm chí, bạn có thể bị cho vào "blacklist" của các nhà tuyển dụng và ảnh hưởng rất lớn tới các lần xin việc sau.

 
Nhiều HR thường xuyên bị "bùng" phỏng vấn. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Nhiều HR thường xuyên bị "bùng" phỏng vấn. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Uy tín của bản thân đến từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Hãy nhận lời tham gia cuộc hẹn khi bạn chắc chắn rằng mình có thể đi được. Nếu tâm trạng không thoải mái, mạnh dạn từ chối để tránh làm mất thời gian của đôi bên, thậm chí sứt mẻ tình cảm. Sẽ tốt hơn khi ai đó nhắc tới bạn là một người uy tín, thay vì "nổi tiếng hay bùng kèo". 

Thực chất việc "bùng kèo" không đáng trách khi bạn có việc đột xuất, bất khả kháng không thể tham gia cuộc hẹn. Nhưng điều khiến cho những người hủy hẹn trở nên "đáng ghét" là vì tần suất quá nhiều, hết lần này tới lần khác và thường thông báo đột ngột. Từ phía bạn có thể không ảnh hưởng nhưng với bạn bè, người hẹn lại mang tâm trạng không vui vẻ.

Nếu bạn là "nạn nhân" của "bùng kèo", bạn có thể không thoải mái. Tuy nhiên, khi cơn giận qua đi, hãy thử tìm hiểu lý do "bùng kèo" thật sự của họ nhé. Có thể, họ đang quá mệt mỏi và căng thẳng, chứ không phải cố tình bỏ quên bạn.