"Mẹ mang giấy nhập học Đại học của tôi đi giấu..."

16:39 21/08/2023

Mỗi phụ huynh luôn có cách của riêng mình để yêu thương và bảo vệ những đứa trẻ của họ. Thế nhưng, đôi khi, chính khát khao muốn bảo bọc quá lớn khiến nhiều bố mẹ muốn thay con quyết định mọi vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là chuyện lựa chọn trường học, nghề nghiệp, thậm chí là định hướng con theo sở thích của bố mẹ. Mới đây, câu chuyện nữ sinh Trung Quốc chia sẻ về vấn đề này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các bạn trẻ thuộc Cột Sống Gen Z

 
Bố mẹ tự quyết định tương lai của con.
Bố mẹ tự quyết định tương lai của con.

"Mẹ mang giấy nhập học của tôi đi giấu"

Theo đó, mạng xã hội xứ Trung xôn xao trước tâm sự của một nữ sinh về việc bất đồng quan điểm giữa em và phụ huynh trong việc lựa chọn trường đại học. Mẹ của nữ sinh mong muốn em sẽ theo học tại các trường Sư phạm, thế nhưng, đó lại không phải mong muốn và sở thích của cô gái: "Mẹ đăng kí cho tôi 40 nguyện vọng vào trường Sư phạm, trường công để được miễn học phí, ở kí túc xá không mất tiền, lại được cho thêm sinh hoạt phí. Theo quan điểm của mẹ, như vậy là rất tốt, mẹ tôi nghĩ rằng ra trường sẽ không phải lo đến chuyện việc làm. Thế nhưng, tôi không thích làm giáo viên, tôi đã tự ý đổi sang đăng ký nguyện vọng vào Học viện Hý Kịch Trung ương. Kết quả, tôi đã đỗ trường này.

Ngày mai là đến hạn nộp học phí, giấy tờ cho trường, tôi dự định sẽ nộp vào chiều nay. Thế nhưng, sau khi đi học bơi về, tôi phát hiện mẹ đã cắt số điện thoại của tôi, đến thẻ ngân hàng mà trường phát để nộp học phí cũng không thấy. Giấy báo nhập học, căn cước công dân, tiền mặt, máy tính, iPad, điện thoại cũ mới tất cả đều biến mất cùng với mẹ tôi.

... Mẹ tôi không muốn tôi học ở Học viện Hý Kịch Trung Ương vì quá xa nhà. Bà cho rằng, làm việc liên quan đến nghệ thuật không có tương lai. Với mẹ, ngoại trừ làm cảnh sát, giáo viên, các ngành nghề khác đều phải nhìn sắc mặt người ta mà sống. Tôi không thể thuyết phục được mẹ mình..."

 
Học sinh đối diện với không ít áp lực. (Ảnh minh họa: Gia đình)
Học sinh đối diện với không ít áp lực. (Ảnh minh họa: Gia đình)

 
Bất đồng với phụ huynh về việc chọn ngành nghề không hề hiếm gặp. (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ)
Bất đồng với phụ huynh về việc chọn ngành nghề không hề hiếm gặp. (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ)

Câu chuyện nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi, nhiều người đã để lại bình luận bày tỏ quan điểm cá nhân. Có ý kiến cho rằng, hành động của người mẹ xuất phát từ việc bà quan tâm, lo lắng cho tương lai của con gái, muốn con có một công việc ổn định. Sự khác biệt thế hệ và góc nhìn về ngành nghề liên quan đến nghệ thuật của người mẹ này chưa được cởi mở, đó là lý do bà hành động như vậy. Cũng theo chia sẻ của nữ sinh, bà mẹ trước khi cầm giấy tờ của cô bỏ đi đã để lại vỏn vẹn 3 chữ: "Xin lỗi con". 

 
Người mẹ bỏ đi cùng giấy nhập học và dòng chữ duy nhất bà để lại. 
Người mẹ bỏ đi cùng giấy nhập học và dòng chữ duy nhất bà để lại. 

Bên cạnh đó, số đông đều không đồng tình với cách làm của người mẹ. Mỗi đứa trẻ đều có sở thích, năng khiếu, nguyện vọng riêng, các em có quyền được chọn lựa ngành nghề yêu thích để theo đuổi. Bố mẹ không nên áp đặt, tìm mọi cách để hướng con theo mong muốn của mình, sự cố chấp ấy nhiều khi lại phản tác dụng.

Con mới là người sống với nghề 

Có nhiều lý do khiến bố mẹ muốn đứng ra thay con quyết định mọi thứ, đặc biệt là những chuyện liên quan đến học tập, nghề nghiệp, lập gia đình,... Trong mắt không ít phụ huynh, con mãi là những đứa trẻ chưa hiểu thấu sự đời, còn non nớt, vì thiếu đi sự tin tưởng nên nhiều người muốn thay con can thiệp, quyết định. 

Mỗi đứa trẻ đến với thế giới đều có khả năng, sở thích, niềm đam mê riêng biệt. Bố mẹ có nhiều kỳ vọng nhưng không thể áp đặt lên con một cách cứng nhắc, thậm chí ngăn cản con phát triển bản thân mình. Thực tế không ai có thể sống cuộc đời của người khác, phụ huynh cũng không thể áp đặt định hình cuộc sống của mình cho con cái, vì mỗi người đều có quyền tự tìm kiếm hạnh phúc và thành công riêng của mình.

 
Sự áp đặt quá mức lên con kéo theo nhiều hệ lụy. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Sự áp đặt quá mức lên con kéo theo nhiều hệ lụy. (Ảnh minh họa: Pinterest)

 
Không được theo đuổi ngành học mình thích cũng là áp lực với học sinh. (Ảnh minh họa: Báo Thanh niên)
Không được theo đuổi ngành học mình thích cũng là áp lực với học sinh. (Ảnh minh họa: Báo Thanh niên)

Phụ huynh định hướng nghề nghiệp cho con là điều cần thiết nhưng sự định hướng đó cần dựa trên nguyện vọng của các em. Trên thực tế, có không ít câu chuyện bất đồng giữa phụ huynh và học sinh về việc chọn ngành học. Từng có nữ ca sĩ được gia đình định hướng theo ngành Y. Lựa chọn theo mong muốn của bố mẹ nhưng cô không tìm thấy đam mê của mình ở đó, sau cùng, cô ấy quyết định từ bỏ tất cả để có cơ hội được đứng trên sân khấu và tỏa sáng. 

 
Các em có quyền thoải mái lựa chọn ngành học theo sở thích, năng khiếu. (Ảnh minh họa: Học nghề Á Âu)
Các em có quyền thoải mái lựa chọn ngành học theo sở thích, năng khiếu. (Ảnh minh họa: Học nghề Á Âu)

 
Bố mẹ hãy là người đồng hành, là chỗ dựa vững chắc cho con. (Ảnh minh họa: Trí thức trẻ)
Bố mẹ hãy là người đồng hành, là chỗ dựa vững chắc cho con. (Ảnh minh họa: Trí thức trẻ)

Trên thực tế, con mới chính là người làm chủ nghề nghiệp của mình, là người sống với nghề, thực hành nghề chứ không phải bố mẹ. Sẽ thật khó khăn cho những đứa trẻ khi phải làm những điều mà các em không thích. Nếu con có khả năng và thích ngành Y thì không nên ép học Sư phạm; hoặc con cái muốn học nghề cũng không nên ép con phải thi vào đại học... Khi hiểu được điều đó, phụ huynh sẽ bình tĩnh lại để cùng con có quyết định chính xác.

Quan điểm của bạn như thế nào về vấn đề này, hãy chia sẻ cùng YAN bên dưới phần bình luận. Đừng quên ấn theo dõi để liên tục cập nhật nhiều thông tin nhanh chóng, hấp dẫn. 

Chọn ngành nghề để theo đuổi là chuyện quan trọng, vì thế phụ huynh lo lắng, muốn định hướng con theo nguyện vọng của mình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mọi can thiệp cần dựa trên tinh thần góp ý, tôn trọng sở thích, nguyện vọng của các con. Tùy theo từng em hoặc từng hoàn cảnh, có thể chọn những cấp học (đại học, cao đẳng, trung cấp hay học nghề), những trường học phù hợp nhất với năng lực và sở thích của con.

Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY!