Lương 5 triệu "cạn ví" đi cưới, không muốn cũng chẳng thể từ chối

14:54 26/09/2023

Trưởng thành đồng nghĩa với việc bản thân và những người xung quanh đến tuổi lấy vợ gả chồng, tổ chức đám cưới. Chẳng cần phải thân thiết mới đến chúc phúc cho nhau, bạn bè, đồng nghiệp ở mức quen biết, xã giao cũng có thể trở thành đối tượng đến dự ngày vui như một cách thể hiện sự quan tâm và gìn giữ mối quan hệ. Song, đây cũng là một trong những gánh nặng của nhiều người vì số tiền bỏ phong bì khá tốn kém trong khi tiền lương chẳng mấy dư dả.

 
Ai cũng muốn nhận được sự chúc phúc của bạn bè trong ngày vui. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Ai cũng muốn nhận được sự chúc phúc của bạn bè trong ngày vui. (Ảnh minh họa: Pinterest)

 
Bỏ phong bì mừng cưới đôi khi là gánh nặng với nhiều người. (Ảnh minh họa: Nhịp Sống Trẻ)​
Bỏ phong bì mừng cưới đôi khi là gánh nặng với nhiều người. (Ảnh minh họa: Nhịp Sống Trẻ)​

Lương 5 triệu chỉ đủ đóng tiền nhà, đi ăn cưới

Bạn Ngọc Tâm (sinh năm 2000) - một độc giả chia sẻ: "2 năm trở lại đây, bạn bè, chị em quanh mình bắt đầu lần lượt lập gia đình. Năm ngoái mới ra trường, lương cơ bản chỉ 5 triệu đồng nhưng bạn thân mời cưới nên mình cũng gắng đi phong bì 1 triệu đồng. Vốn là muốn tặng nó 1 chỉ vàng nhưng vì điều kiện không có nên chỉ cố được như vậy, sau đó mình cũng băn khoăn lắm. Còn bạn bè, đồng nghiệp bình thường thì cố bỏ phong bì 500 nghìn đồng cho giống mọi người chứ mình đi ít hơn cũng ngại".

 
Càng thân, càng muốn tặng quà đắt tiền cho bạn. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Càng thân, càng muốn tặng quà đắt tiền cho bạn. (Ảnh minh họa: Pinterest)

Không có quy chuẩn gì về mức tiền mừng cho cô dâu chú rể nhưng 500 nghìn đồng là con số khá phổ biến khi bỏ phong bì, thân thiết thì nhiều hơn. Có những tháng nhận vài tấm thiệp mời, nhất là vào độ cuối năm mùa cưới của các cặp đôi thì điều đó vô tình đã trở thành gánh nặng kinh tế của nhiều bạn trẻ. 

 
Một tháng nhận vài tấm thiệp mời khiến nhiều người áp lực. (Ảnh: Ngôi Sao)
Một tháng nhận vài tấm thiệp mời khiến nhiều người áp lực. (Ảnh: Ngôi Sao)

Ngọc Tâm chia sẻ tiếp: "Đợt này bạn bè mình cưới nhiều, ít thì 2, còn nhiều thì có tháng nhận 4, 5 cái thiệp. Lương có hạn mà toàn phải mừng tiền to nên đầu tháng nhận lương mình sẽ trích riêng 1 khoản mừng cưới, 1 khoản trả tiền nhà, sau đó xác định là phải ăn uống tiết kiệm, thiếu thì vay thêm bạn bè".

 
Bỏ phong bì ít hay nhiều phụ thuộc vào độ thân thiết. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)
Bỏ phong bì ít hay nhiều phụ thuộc vào độ thân thiết. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Mặt khác, cũng có những trường hợp khó xử, nhận được thiệp mời cưới mà chẳng biết nên đi hay không. Điển hình như Thu Huyền (sinh năm 1997) tâm sự: "Nhiều lần mình bất ngờ vì nhận được thiệp mời cưới từ một người trước đó không tương tác nhiều mà từ lâu cũng không nói chuyện. Từ bạn học cũ, đồng nghiệp hay anh chị em chung nhóm câu lạc bộ đại học, những mối quan hệ xã giao từ xa xưa nhưng lại mời mình đi đám cưới khiến mình hơi ngại. Mình nghĩ nhiều người cũng rơi vào trường hợp này giống mình. Mỗi lần như vậy mình sẽ gửi phong bì vì không muốn đi cho lắm nhưng dù sao cũng phải cám ơn người ta đã nhớ đến mình và chúc mừng họ".

 
Nhiều lúc chỉ muốn từ chối vì không đủ thân thiết, quen biết.
Nhiều lúc chỉ muốn từ chối vì không đủ thân thiết, quen biết.

Đừng để việc được mời cưới thành áp lực

Trong vòng quan hệ của người trưởng thành, việc mời và dự đám cưới như sợi dây kết nối mọi người với nhau, nó không chỉ thể hiện tình cảm khăng khít mà còn để nhắc về thời gian từng tiếp xúc qua lại. Bản thân người mời cưới cũng khó nghĩ, ngại rằng nếu không mời 1 người mình từng quen nhưng lại mời những bạn chung thì sẽ khiến họ phật ý. Hoặc đôi khi đơn giản là vì "bạn từng mời tôi nên tôi sẽ mời lại bạn", có qua có lại.

 
Nhiều nhóm bạn chẳng ngại "tấu hề" khi trao quà cưới. (Ảnh: Nhịp Sống Việt)
Nhiều nhóm bạn chẳng ngại "tấu hề" khi trao quà cưới. (Ảnh: Nhịp Sống Việt)

Nhận thiệp cưới thì tham dự, bỏ phong bì bao nhiêu vẫn phụ thuộc vào người được mời. Phía cô dâu chú rể không gượng ép nên bản thân bạn cũng không cần cố quá. Tùy theo mức độ thân thiết và khả năng tài chính của bản thân mà mừng cưới cho phù hợp. 

 
Đám cưới nên là ngày vui thay vì biến nó thành áp lực. (Ảnh: Dân Việt)
Đám cưới nên là ngày vui thay vì biến nó thành áp lực. (Ảnh: Dân Việt)

Suy cho cùng, quà hay tiền mừng cưới là một nghi thức trao đổi, có qua có lại trong mối quan hệ giữa người với người. Và bản chất của việc dự đám cưới là để chúc mừng cho cô dâu chú rể, vậy nên lòng chân thành vẫn quan trọng hơn cả. Bạn có quyền chọn khách mời cho ngày vui của mình thì cũng có thể quyết định tham dự đám cưới của người khác hay không để tránh mang thêm gánh nặng cho bản thân.

KHÔNG QUÁ VÔ TƯ, KHÔNG GƯỢNG ÉP KHI ĐƯỢC MỜI CƯỚI

Nhiều người đi đám cưới như một bài toán kinh tế, "gửi tạm" tiền ở người khác vì có qua có lại, sau mình cưới thì người ta cũng sẽ mừng lại mình. Thế nhưng đôi khi, việc được mời cưới quá nhiều cũng có thể trở thành gánh nặng vì mất đi một phần lớn thu nhập, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt. Thậm chí, dù hoàn cảnh không cho phép vẫn cố gắng nhét đầy phong bì như mọi người, hoặc chẳng thân thiết vẫn cố đi để "đỡ mất lòng".

Thực ra, tùy vào trường hợp mà chúng ta có thể quyết định đi đám cưới hay không, chẳng đủ thân thiết, cũng không mấy qua lại thì không cần miễn cưỡng. Mặt khác, tùy vào từng trường hợp để tặng nhân vật chính món quà lớn hoặc cân đối cho hợp lý. Đây là vấn đề không bắt buộc, song cũng không nên quá vô tư, thoải mái để người khác đánh giá, chê cười.