Không còn vô lý khi yêu cầu sinh viên mới ra trường có kinh nghiệm

15:41 25/09/2023

Thử lướt một vòng trên các kênh tuyển dụng, diễn đàn việc làm… bạn sẽ thấy hầu như tin tuyển dụng nào cũng đề cập đến kinh nghiệm. Trong đó, vẫn có công việc không cần hoặc cần ít kinh nghiệm và dĩ nhiên, những vị trí này thường có mức lương khiêm tốn, thường phù hợp với thực tập sinh hay người vừa "nhảy ngành". Phần lớn tin tuyển dụng còn lại đều yêu cầu kinh nghiệm 1 – 2 năm, từ 3 năm trở lên… tùy thuộc vào vị trí, bạn sẽ nhận được mức thu nhập hấp dẫn tương xứng với công sức bỏ ra. Điều này cho thấy, việc tích lũy kinh nghiệm để "khoe" cho nhà tuyển dụng thấy là điều cần thiết. Nhưng làm thế nào để có được bí quyết tích lũy kinh nghiệm hiệu quả ngay từ khi còn chưa ra trường thì không phải ai cũng làm được.

 
Tích luỹ kinh  nghiệm khi còn đi học là một lợi thế. (Ảnh minh hoạ: Thư Viện Pháp Luật)
Tích luỹ kinh  nghiệm khi còn đi học là một lợi thế. (Ảnh minh hoạ: Thư Viện Pháp Luật)

Thế hệ trẻ có kinh nghiệm ngay cả khi chưa ra trường

Thay vì vùi đầu vào sách vở thì hiện nay rất nhiều bạn trẻ chọn cho mình con đường vừa học vừa làm, họ đi làm thêm vì nhiều lý do nhưng phổ biến nhất là làm để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

Bạn Nguyễn Ngọc Khương, một lập trình viên phát triển ứng dụng web làm việc với các nền tảng mobile và game. Vừa tốt nghiệp ra trường, Khương đã xin ngay được một công việc yêu cầu hai năm kinh nghiệm và thăng tiến rất nhanh.

Đối với Khương, việc doanh nghiệp yêu cầu kinh nghiệm là chuyện rất bình thường và hợp lý. Để đáp ứng yêu cầu của họ, ngay từ lúc còn là sinh viên, ngoài việc học ở trường, Khương còn dành thời gian suy nghĩ và nghiên cứu xây dựng những dự án để thêm vào hồ sơ năng lực của mình. Khương tìm hiểu các kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu từ JD của họ, tổng hợp và phân tích xem mình đi theo hướng nào rồi bắt đầu rèn luyện kỹ năng từ đó, kết hợp với kiến thức học được trên trường đại học.

 
Học hỏi kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn. (Ảnh minh hoạ: Dân Trí)
Học hỏi kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn. (Ảnh minh hoạ: Dân Trí)

Có thể nói, thời sinh viên, ngoài thời gian đi học, đi làm, thì phần lớn thời gian còn lại của Khương chính là để tự học, tự nghiên cứu. Thời gian cho việc đi chơi giải trí vẫn có, nhưng nó chiếm khá ít trong lịch trình của cậu bạn. Nhờ vậy mà lúc mới ra trường Khương đã mạnh dạn ứng tuyển vào vị trí yêu cầu 2 năm kinh nghiệm và được nhận. Trong quá trình làm việc tại công ty, cho tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chưa phải đào tạo gì thêm cho Khương vì cậu đã đáp ứng được yêu cầu của họ. 

Từng bị nhiều áp lực về chuyện kinh nghiệm trước khi ra trường, bạn Nguyễn Hồng Liên, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn chia sẻ: "Kinh nghiệm trong quá trình đi học là điều rất quan trọng để mình có được công việc tốt sau này. Hồi đi học mình thấy bạn bè đi làm, cộng tác với các báo có rất nhiều sản phẩm, còn mình thì chưa biết cách viết thế nào nên cũng rất lo. Mình sợ ra trường sẽ không có việc làm nhưng nếu chỉ chăm chăm đi làm mà không để ý việc học thì lực học sẽ giảm sút. 

Câu hỏi của mình lúc đó là làm sao để vừa học vừa làm mà vẫn hiệu quả? May mắn là khoa mình có kỳ thực tập 3 tháng dành cho sinh viên nên nhờ đó mình đỡ áp lực hơn, mình lo học kiến thức trước, lâu lâu gửi bài cộng tác và dành thời gian lúc thực tập để trải nghiệm và học nghề từ thực tế. Stress nhưng vẫn phải cố gắng thôi vì ngành của mình cạnh tranh nhiều nên phải trang bị đủ kỹ năng thì mới có cơ hội hơn được".

 
Trang bị những kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. (Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ)
Trang bị những kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. (Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ)

Không tự tạo kinh nghiệm đừng trách nhà tuyển dụng

Có nhiều cách khác nhau để trang bị cho bản thân kỹ năng và kinh nghiệm. Đi làm thêm chỉ là một lựa chọn trong nhiều những lựa chọn khác. Các bạn có thể tìm cho mình một hướng đi đúng để hoàn thành được những dự định của bản thân.

Quỳnh Đan vừa tốt nghiệp, là cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền lựa chọn trau dồi kinh nghiệm bằng nhiều cách khác nhau. Khi còn đi học, Đan tham gia rất nhiều hoạt động và trở thành một sinh viên năng nổ của trường. Chính vì điều này, đã giúp cho Quỳnh Đan rất nhiều trong công việc sau khi ra trường.

 
Trau dồi kinh nghiệm để có thêm nhiều cơ hội việc làm. (Ảnh: Q.Đ)
Trau dồi kinh nghiệm để có thêm nhiều cơ hội việc làm. (Ảnh: Q.Đ)

Đặc biệt, vì là sinh viên khoa Phát thanh nên Đan đã trải nghiệm bản thân khi đi làm thêm những công việc liên quan đến chuyên ngành mình đang theo học. Đan nói: "Đối với mình, kinh nghiệm được xem là một trong những kỹ năng cần thiết đối với các bạn sinh viên trước khi ra trường. Bên cạnh việc giúp cho CV xin việc của các bạn đẹp hơn, dễ dàng tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng hay hỗ trợ các bạn không bỡ ngỡ trước các công việc về mặt chuyên môn, kinh nghiệm làm việc sẽ giúp ích rất nhiều về mặt kỹ năng mềm cho các bạn".

Đan bộc bạch thêm: "Những kỹ năng mềm tưởng chừng như đơn giản: giao tiếp với sếp, đồng nghiệp, khả năng thích ứng với môi trường, khả năng sử dụng các công cụ văn phòng hay khả năng lãnh đạo… cũng cần một thời gian dài để thích nghi và hoàn thiện".

 
Lựa chọn nhiều cách khác nhau để có cho mình những trải nghiệm. (Ảnh minh hoạ: Thanh Niên).
Lựa chọn nhiều cách khác nhau để có cho mình những trải nghiệm. (Ảnh minh hoạ: Thanh Niên).

Không phải học một ngày là xong, học hỏi là một lộ trình, cần thời gian để tích hợp từ từ nên trong quá trình làm việc, bạn cần chuẩn bị cho mình tâm lý sẵn sàng đón nhận mọi thứ như một bài học và "cất giữ" nó. Mỗi vị trí đều có những tiêu chuẩn riêng nên dựa trên điều này, bạn có thể tự đánh giá lại bản thân còn thiếu sót ở đâu, từ đó có kế hoạch "lấp đầy" chúng, hoàn thiện chính mình. 

 
Đi thực tập là cách để sinh viên bổ sung kinh nghiệm. (Ảnh minh hoạ: VietnamPlus) 
Đi thực tập là cách để sinh viên bổ sung kinh nghiệm. (Ảnh minh hoạ: VietnamPlus) 

Đừng chờ tới kỳ thực tập bắt buộc trong chương trình học. Việc cân đối thời gian để đi thực tập sớm hơn giúp bạn có tới 1-2 năm kinh nghiệm khi mới ra trường. Nhiều công ty lớn có chương trình thực tập hè cho sinh viên. Đây cũng là cách họ tìm kiếm các ứng viên triển vọng.

Khi còn là sinh viên, hãy năng nổ tham gia các câu lạc bộ. So với trước, các hoạt động này đã không còn thu hẹp trong những chương trình tình nguyện mùa hè hay hiến máu nhân đạo. Những hoạt động nhằm phát triển các kỹ năng lãnh đạo, tổ chức dự án, kiến thức chuyên môn của sinh viên ngày càng nhiều. Qua đó, sinh viên được thực làm và mở rộng mối quan hệ.

 
Năng nổ tham gia các câu lạc bộ. (Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ)
Năng nổ tham gia các câu lạc bộ. (Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ)

Bạn cũng có thể lấy kinh nghiệm từ những dự án cá nhân hoặc khởi sự kinh doanh. Đây là những kinh nghiệm thực tiễn, giá trị nhất vì bạn phải chịu trách nhiệm về dự án của mình.

Lựa chọn công việc, hoạt động nào để làm giàu kinh nghiệm cho bản thân tuỳ thuộc vào nhu cầu, thời gian và năng lực của mỗi người. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng cùng một công việc nhưng mỗi người lại nhìn nhận, có bài học kinh nghiệm khác nhau. Đôi khi, điều quan trọng nằm ở cách bạn thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy điều bạn đã học được, không nhất thiết phải là các công việc "xịn" hay những công ty lớn mới đem lại cho bạn kinh nghiệm đáng giá.

  
Lấy kinh nghiệm từ những dự án cá nhân. (Ảnh minh hoạ: Glints) 
Lấy kinh nghiệm từ những dự án cá nhân. (Ảnh minh hoạ: Glints)

Xét đến cùng, sự chuẩn bị kĩ càng từ những năm đại học sẽ giúp các bạn sinh viên dễ dàng có được việc làm hơn khi ra trường. Nhiều người cho rằng "không có gì sướng bằng thời sinh viên", đúng vậy, nhưng kết thúc 4 năm đại học và vỡ òa rằng: lẽ ra mình chỉ nên "sướng vừa đủ" là điều mà rất nhiều bạn trẻ than phiền. Do đó, hãy luôn cố gắng trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, nghĩ xa trông rộng, "chơi vừa đủ" để ngày ra trường không phải là khởi đầu của cơn ác mộng mang tên thất nghiệp.

Cuộc sống thì ngày càng phát triển chính vì vậy yêu cầu đối với những sinh viên mới ra trường cực kỳ cao. Có được tấm bằng đại học không phải là điều kiện đủ để bạn có thể có được một công việc như ý, nhưng đó cũng là cơ hội để bạn đạt được một vị trí mong muốn. Hãy bỏ cái suy nghĩ rằng "mình không có kinh nghiệm". Hãy tự nghĩ và tự hỏi bản thân rằng “Mình có những gì? Còn thiếu gì?” để tận dụng tốt thời gian tích lũy kiến thức thực tế, trau dồi kĩ năng mềm, không phải “ngại” bất cứ một vị trí nào mà mình muốn.