Chọn nợ nần là động lực, tâm lý "bóc ngắn cắn dài" tương lai hối hận

19:10 25/09/2023

Ông cha ta từ xưa đến nay vẫn quan niệm “năng nhặt chặt bị”, tiết kiệm cho tương lai. Tuy nhiên, với nhiều bạn trẻ ngày nay quan niệm đó đã trở nên lỗi thời. Bên cạnh việc “cày ngày cày đêm”, các bạn trẻ đề cao việc hưởng thụ cho bản thân. Thậm chí coi “nợ nần” là động lực phấn đấu. Nhưng điều đó về lâu về dài rất có thể sẽ khiến bạn phải hối hận. 

 
Không ít bạn trẻ coi nợ nần chính là động lực phấn đấu của mình. (Ảnh minh họa: Freepik)
Không ít bạn trẻ coi nợ nần chính là động lực phấn đấu của mình. (Ảnh minh họa: Freepik)

Giới trẻ chọn nợ nần để có động lực phấn đấu

Các bạn trẻ ngày nay thường bảo nhau rằng “làm được thì phải tiêu được” hay có nợ mới có động lực phấn đấu. Nhiều người rơi vào vòng xoáy chưa hết tháng đã hết tiền, hay tiền lương nhận về được vài ngày lại mang đi trả nợ rồi sống lay lắt đến giữa tháng tiếp tục vay nợ để duy trì đến tháng lương tiếp theo. Khi phải chi tiêu, mua sắm một khoản lớn có người lựa chọn trả góp - một hình thức mua dùng trước trả nợ sau. Có người ngay cả đi du lịch, mua vé đu idol cũng vay mượn. 

 
Vay nợ người thân bạn bè để mua sắm là hành động được nhiều bạn trẻ xem là bình thường. (Ảnh minh họa: Freepik)
Vay nợ người thân bạn bè để mua sắm là hành động được nhiều bạn trẻ xem là bình thường. (Ảnh minh họa: Freepik)

Tôi có một cậu bạn thân hồi cấp 3 chỉ trong một năm đã chuyển trọ tới 7 lần. Mỗi lần như vậy nó sẽ bỏ hết đồ đạc cũ chỉ đi người không tới chỗ mới và mua đồ dùng mới. Vì thế, số tiền làm ra chỉ để phục vụ sinh hoạt cá nhân vẫn thiếu. Nhiều khi còn phải vay mượn thêm bạn bè và người thân. Nhưng khi được mọi người khuyên nên tiết kiệm lại, chỉ chi tiêu cái gì hợp lý thì nó hồn nhiên trả lời: “Phải có nợ mới có động lực kiếm tiền. Tiền cũng giống như tóc phải cắt đi thì mới mọc được cái mới. Giờ vẫn còn trẻ không tiêu pha hưởng thụ cho bản thân sau này già hối hận cũng không kịp đâu.”

 
Vay nợ quá nhiều sẽ khiến bạn dễ rơi vào sa đà, khó kiểm soát được bản thân. (Ảnh minh họa: Vietnambiz)
Vay nợ quá nhiều sẽ khiến bạn dễ rơi vào sa đà, khó kiểm soát được bản thân. (Ảnh minh họa: Vietnambiz)

Cùng chung quan niệm này, Q.H (25 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) cho rằng mỗi khi nợ nần cô bạn sẽ có động lực kiếm tiền hơn. Nhất là khi đến hạn đóng tiền nhà hay trả góp, Q.H có thể thức xuyên mấy đêm để cày các việc làm thêm kiếm tiền. Sau khoảng thời gian cày cuốc đó cô lại tự thưởng cho bản thân những chuyến du lịch để xả stress. Và đương nhiên, nếu không đủ chi phí sẽ vay bạn bè rồi đến tháng lương thì trả lại sau. 

“Nhiều người cứ nghĩ phải kiếm đủ tiền mới mua cái này cái kia. Bảo đủ thì không biết đến bao giờ mới đủ. Thế nên mình thường lựa chọn vay để mua trước, sau đó làm rồi trả dần. Bạn sẽ vừa có món đồ mới ngay, đáp ứng nhu cầu luôn mà không phải có gánh nặng tài chính trả liền một lúc”, Q.H cho biết thêm.

 
Tâm lý thích hưởng thụ khiến các bạn trẻ quên mất việc phải tiết kiệm. (Ảnh: CafeF)
Tâm lý thích hưởng thụ khiến các bạn trẻ quên mất việc phải tiết kiệm. (Ảnh: CafeF)

Tâm lý "bóc ngắn cắn dài" tương lai hối hận không kịp

Câu thành ngữ “bóc ngắn cắn dài” đã quá quen thuộc dùng để chỉ những người làm thì ít mà luôn muốn tiêu dùng hưởng thụ nhiều. Ngoài ra, nó còn chỉ những kiểu làm ăn “cò con”, hám lợi, muốn bỏ vốn, bỏ sức ít mà phải thu về nhiều lợi lộc. Về cơ bản, khoản tiền bạn vay mượn để đáp ứng nhu cầu của bản thân vốn dĩ không phải tiền của bạn. Dù sớm hay muộn đều phải hoàn trả lại. Nếu không có sự chuẩn bị chi phí cho bản thân, đột nhiên bị đòi nợ khoản tiền ấy bạn sẽ không biết xoay sở ở đâu. 

 
Quá nhiều khoản nợ sẽ không còn là động lực mà biến thành gánh nặng. (Ảnh minh họa: Phạm Hà)
Quá nhiều khoản nợ sẽ không còn là động lực mà biến thành gánh nặng. (Ảnh minh họa: Phạm Hà)

Hơn nữa, cuộc sống luôn luôn biến động, ngoài việc kiếm tiền chi tiêu, sinh hoạt chúng ta cũng cần có sự tích lũy cho bản thân. Điều này nhằm đề phòng các trường hợp rủi ro như ốm đau hay cần phụ giúp gia đình. Chưa kể chúng ta còn cần tích lũy cho những mục tiêu lớn hơn như mua nhà, mua xe, kết hôn, sinh con. Nếu lúc nào cũng lấy nợ để có động lực phấn đấu thì mãi mãi bạn sẽ không đạt được những mục tiêu lớn hơn. 

Bên cạnh đó, chẳng có ai muốn kết giao với một người suốt ngày nợ nần. Trong cuộc sống, không ai có nghĩa vụ phải cho người này, người kia vay mượn hết lần này đến lần khác. Bạn có thể vay người thân bạn bè một, hai lần nhưng không thể vay mượn họ cả đời. 

 
Chẳng ai thích kết giao với một người suốt ngày nợ nần. (Ảnh minh họa: YBox)
Chẳng ai thích kết giao với một người suốt ngày nợ nần. (Ảnh minh họa: YBox)

Hiện nay, nhiều bạn trẻ cũng bị phụ thuộc quá nhiều vào thẻ tín dụng (hình thức tiêu dùng trước trả sau) hay trả góp. Nếu biết cách chi tiêu hợp lý nó cũng rất tiện lợi cho cuộc sống hiện đại. Nhưng nếu cái gì cũng vung tay “quẹt thẻ” hay có thứ gì mới liền trả góp để sở hữu bạn sẽ dễ sa vào nợ nần. Số tiền nợ cứ thế lớn lên từng ngày và dần dần bạn đi làm chỉ để trả nợ. Nhất là đến một ngày số nợ đó quá lớn khiến bạn không có khả năng chi trả, phải chịu lãi cao. 

 
Việc sa đà vào quẹt thẻ tín dụng cũng khiến không ít bạn trẻ áp lực vì nợ nần. (Ảnh minh họa: Freepik)
Việc sa đà vào quẹt thẻ tín dụng cũng khiến không ít bạn trẻ áp lực vì nợ nần. (Ảnh minh họa: Freepik)

Chính vì thế, mỗi người cần biết cách kiểm soát chi tiêu. Tốt nhất nên chia lương của mình thành từng khoản hợp lý như: sinh hoạt, mua sắm, sức khỏe, tích lũy,... Chúng ta cũng có nhiều cách để tạo động lực kiếm tiền như: mua nhà, mua xe, báo hiếu bố mẹ chứ không phải chỉ có nợ nần mới tạo thành động lực. Đừng biến bản thân trở thành “con nợ” suốt đời. 

Không thể phủ nhận giới trẻ hiện đại ngày càng linh hoạt, có nhiều suy nghĩ khác biệt so với thế hệ trước. Nhiều người cũng ưa hưởng thụ và sống vì bản thân mình hơn. Điều đó không sai nhưng bạn cần có tính toán tỉ mỉ, đừng sa đà vào những suy nghĩ tuổi trẻ là phải hưởng thụ hay có nợ nần mới có động lực phấn đấu. Nếu không xác định được mục tiêu cụ thể bạn sẽ bị rơi vào vòng lặp vay nợ - mua sắm - trả nợ - vay nợ. Thời gian là hữu hạn, chỉ cần một thoáng không để ý tuổi trẻ sẽ trôi qua rất nhanh, đừng để đến năm 30 tuổi bản thân vẫn tay trắng, chưa có gì trong tay. Để rồi cuối cùng thứ ở lại chỉ là những khoản nợ.