Chắp cánh ước mơ cho nữ sinh khiếm khuyết 12 năm dùng ghế tới trường

16:49 06/10/2023

Không được sinh ra với một cơ thể hoàn hảo như bao người khác nhưng luôn mang trong mình những ước mơ, hoài bão lớn lao, có những bạn trẻ bằng nghị lực và khát khao đã vượt lên số phận, trở thành sinh viên đại học và chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng: Cánh cổng tri thức, cánh cổng đại học sẽ mở ra với tất cả mọi người, dù cho họ là ai.

 
Cánh cổng đại học luôn rộng mở với bất kỳ . (Ảnh minh họa: Dân Trí) 
Cánh cổng đại học luôn rộng mở với bất kỳ . (Ảnh minh họa: Dân Trí) 

Học để thay đổi số phận

Bị khuyết tật bẩm sinh từ trong bụng mẹ, Ngô Thị Ngọc Hà (18 tuổi, quê ở H.Châu Thành, Long An) có một tuổi thơ đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần. Việc không có đôi chân lành lặn, không linh hoạt khiến cuộc sống sinh hoạt bình thường của cô gái ấy cũng trở nên khó khăn hơn người khác.

Lớn lên khác biệt với bạn bè đồng trang lứa, ít nhiều chịu đựng những ánh mắt kỳ thị, những lời nói khó nghe, thế nhưng, cô gái quê Long An ấy luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, yêu đời, em ít khi buồn hay tự ti vì cơ thể của bản thân.

 
Dù khiếm khuyết nhưng Hà luôn lạc quan, yêu đời. (Ảnh: Thanh Niên)
Dù khiếm khuyết nhưng Hà luôn lạc quan, yêu đời. (Ảnh: Thanh Niên)

Khiếm khuyết cơ thể dường như không thể ngăn cản niềm khát khao được đến trường của Hà. Tự nhủ chỉ có con đường học tập mới giúp mình có công việc tốt, kiếm tiền giúp đỡ ba mẹ. 

Vào thời điểm bạn bè bằng tuổi bắt đầu vào lớp 1, Hà cũng được ba mẹ xin vào học ở trường công. Cố gắng học tập, Hà xuất sắc đạt danh hiệu học sinh giỏi, đó chính là minh chứng cho gia đình, thầy cô thấy Ngọc Hà có khả năng theo kịp bạn bè.

Với một học sinh khiếm khuyết như Hà, việc đến trường đâu phải dễ dàng. Thương con chịu nhiều thiệt thòi, ba mẹ Hà dù làm nghề nông đầu tắt mặt tối nhưng vẫn tranh thủ thay nhau bồng bế, đưa đón con mỗi ngày. Từ năm 8 tuổi, cô bé lấy 2 chiếc ghế kê lên rồi tập di chuyển để ba mẹ đỡ vất vả. 

 
Ngọc Hà di chuyển bằng cách chuyền mình qua 2 chiếc ghế nhựa. (Ảnh: Thanh Niên)
Ngọc Hà di chuyển bằng cách chuyền mình qua 2 chiếc ghế nhựa. (Ảnh: Thanh Niên)

Trong quãng thời gian này, ba mẹ, thầy cô, bạn bè luôn bên cạnh và không ngừng giúp đỡ, động viên, không ai bỏ lại em phía sau. Đó là động lực để Hà cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Không chỉ biết đến là học sinh giỏi của trường. Gần đây nhất, Hà đã tạo nên kì tích khi xuất sắc đỗ vào trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Ban đầu, Hà thích học ngành marketing. Vì đi lại khó khăn, em được thầy cô tư vấn học kế toán, đúng với sở trường thích tính toán của Hà. Trên con đường chinh phục giấc mơ vào đại học, ngoài sự nỗ lực của Hà, còn có công lao to lớn của ba mẹ và tình yêu thương của thầy cô, bạn bè.

 
Quyết theo đuổi con đường học vấn, thay đổi số phận. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Quyết theo đuổi con đường học vấn, thay đổi số phận. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ngày nhận được giấy báo nhập học cũng là lúc niềm hạnh phúc của em và gia đình vỡ òa khi bao cố gắng trong thời gian qua đã được đền đáp xứng đáng. Bên cạnh đó, ba mẹ Hà cũng không tránh khỏi lo lắng cho con gái một mình xoay xở với cuộc sống ở thành phố.

Dù hoàn cảnh khó khăn và quãng đường 4 năm đại học cũng chẳng phải là ngắn nhưng gia đình vẫn cố gắng gói ghém, sắm sửa đủ dụng cụ học tập, đồ dùng cá nhân cho Hà khăn gói vào TP Hồ Chí Minh để theo đuổi ước mơ. 

Đối với Hà, việc rời xa vòng tay gia đình là cơ hội giúp em học cách tự lập hơn, có thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm sống, chuẩn bị cho việc đi làm sau này của bản thân.

 
Cuộc sống xa nhà sẽ giúp Hà tự lập hơn. (Ảnh: Chụp màn hình Thanh Niên)
Cuộc sống xa nhà sẽ giúp Hà tự lập hơn. (Ảnh: Chụp màn hình Thanh Niên)

Nhà trường hỗ trợ sinh viên viết tiếp ước mơ

Hằng ngày, Hà dùng xe điện 3 bánh di chuyển từ ký túc xá sang trường học. Tuy nhiên, để đến được giảng đường tận tầng 2, tầng 3… Hà phải chuyền mình trên 2 chiếc ghế rất vất vả. Thấu hiểu hoàn cảnh, quyết không để bất kỳ sinh viên nào phải nghỉ học vì khó khăn hay trở ngại nào, ban giám hiệu trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đã trích 20 triệu đồng từ nguồn học bổng hỗ trợ của trường, quyết định tặng Hà xe lăn điện.

Nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ nhà trường, Hà rất bất ngờ và biết ơn. Giờ đây, với chiếc xe điện nhỏ gọn, Hà có thể vào thang máy để đến thẳng lớp học. Đường đến giảng đường của cô tân sinh viên đã bớt nhọc nhằn.

 
Hà được trường hỗ trợ xe lăn điện. (Ảnh: Thanh Niên)
Hà được trường hỗ trợ xe lăn điện. (Ảnh: Thanh Niên)

Ngọc Hà tuy thiếu may mắn hơn những đứa trẻ bình thường khác nhưng đi đến đâu em cũng được giúp đỡ. Những việc như rửa chén, giặt đồ hay quét nhà, Hà đều có thể tự làm. Duy chỉ có lúc phơi hay lấy quần áo từ trên cao xuống, Hà phải nhờ bạn giúp đỡ. 

Sau gần 1 tháng nhập học, cô gái đã quen với cuộc sống mới. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa (50 tuổi - mẹ Ngọc Hà) lúc trước luôn lo lắng con khó hòa nhập ở môi trường mới giờ đã hoàn toàn an tâm vì biết con gái được thầy cô, bạn bè yêu thương. Để đáp lại tấm lòng của thầy cô và bạn bè, Hà tự nhủ bản thân nhất định sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, xứng đáng với những gì mình được nhận.

 
Nữ sinh luôn được thầy cô, bạn bè yêu thương, giúp đỡ. (Ảnh: Thanh Niên)
Nữ sinh luôn được thầy cô, bạn bè yêu thương, giúp đỡ. (Ảnh: Thanh Niên)

Hành trình theo đuổi ước mơ của Ngọc Hà đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ nói chung và những người khiếm khuyết nói riêng. Dù mang trong mình những khuyết điểm hãy luôn cố gắng, nỗ lực phát triển bản thân từng ngày để “thắp sáng” nên chính cuộc đời mỗi chúng ta. 

 
Hãy luôn cố gắng theo đuổi ước mơ. (Ảnh minh họa: CareerLink)
Hãy luôn cố gắng theo đuổi ước mơ. (Ảnh minh họa: CareerLink)

Bạn nghĩ sao về câu chuyện ý nghĩa của bạn trẻ “đặc biệt” này.

Câu chuyện của những bạn trẻ đầy nghị lực kể trên có lẽ là điều khiến cho xã hội cần phải suy ngẫm, cần phải thay đổi những quan điểm về người khuyết tật. Bởi hơn ai hết, họ chính là những người cần được yêu thương, bù đắp cho những khuyết thiếu về mặt tâm hồn và thể xác, để họ cũng có những cơ hội được vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn.