Nhận diện được từng loại mụn không chỉ giúp bạn hiểu tình trạng sức khỏe của làn da, mà còn có thể phòng tránh và điều trị chúng hiệu quả.
Mụn ẩn
Khi bụi bẩn, các chất ô nhiễm từ môi trường, lớp trang điểm, kem chống nắng do không được tẩy trang, làm sạch đúng cách, chúng sẽ bám trên bề mặt da kết hợp với bã nhờn, các tế bào da chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó sinh ra mụn ẩn.
Mụn ẩn có kích thước nhỏ, nằm ẩn dưới da và tạo thành từng đám. Chúng có khả năng lây lan sang các vùng da khác, tuy không gây đau nhưng lại khiến bề mặt da trở nên sần sùi.
Bạn chỉ có thể tìm ra nơi cư trú của đám mụn này khi soi trước ánh sáng.
Thông thường, mụn ẩn chủ yếu xuất hiện ở vùng trán, hai bên thái dương, hai bên má… Mụn ẩn khá “cứng đầu”, những phương pháp thông thường như nặn hay dùng kem trị mụn không thể xử lí hết chúng. Một số cách đạt hiệu quả trong việc loại bỏ chúng như: sử dụng công nghệ laser hay kết hợp phương pháp giúp thải độc gan. Bạn cũng nên tham khảo tư vấn của chuyên gia da liễu để có phương pháp tốt nhất.
Mụn đầu trắng
Khi nang trứng, tế bào da chết và bã nhờn bít kín lỗ chân lông, nó sẽ tạo ra môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển. Tới thời điểm lượng vi khuẩn và bã nhờn dưới da tăng cao, nó sẽ tạo ra một nốt sưng nhỏ trên bề mặt da.
Mụn có đầu trắng và hơi tấy đỏ xung quanh.
Để loại bỏ mụn đầu trắng, bạn nên kiểm soát lượng dầu nhờn dư thừa bằng cách cung cấp độ ẩm cho da. Ngoài ra, việc tẩy da chết định kì cũng góp phần không nhỏ để ngăn ngừa loại mụn này.
Mụn đầu đen
Đây là loại mụn phổ biến và dễ gặp nhất. Nếu hỗn hợp bã nhờn trong mụn đầu trắng phá vỡ bề mặt da, oxy trong không khí phản ứng với bã nhờn sẽ làm mụn chuyển thành màu đen. Loại mụn này có nhân khá cứng, nằm tập trung ở mũi và hai bên má.
Về lâu dài, mụn đầu đen sẽ làm to lỗ chân lông gây mất thẩm mỹ.
Nguyên tắc quan trọng hàng đầu, giúp bảo vệ da trước sự tấn công của mụn đầu đen, là làm sạch da mỗi ngày với nước tẩy trang và sữa rửa mặt. Bạn cũng có thể dùng kem hoặc hỗn hợp lột mụn tự nhiên để loại bỏ chúng.
Bên cạnh đó, khi tình trạng mụn đầu đen và mụn đầu trắng đang ở mức nghiêm trọng, bạn có thể điều trị bằng các loại thuốc không cần toa như: Benzoyl peroxide, axit salicylic và resorcinol.
Mụn sần
Đây là những mụn đầu trắng bị viêm, tạo thành các nốt đỏ hoặc hồng trên da. Khi đó, hệ thống miễn dịch sẽ “huy động” các tế bào bạch cầu chống lại vi khuẩn. Điều này gây viêm ở vùng xung quanh, tạo thành nốt cứng màu đỏ, gọi là mụn sần.
Loại mụn này rất nhạy cảm, nếu bạn cố sức nặn, tình trạng viêm có thể trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn tới sẹo. Trong trường hợp da có nhiều mụn sần, khả năng các mụn viêm khác hình thành là rất cao.
Bác sĩ da liễu có thể kê toa kháng sinh hoặc retinoid để điều trị loại mụn này.
Mụn mủ
Khi đủ thời gian phát triển, mụn sần sẽ sưng lên, các tế bào bạch cầu kết tụ lại với nhau thành mủ, làm vỡ “bức tường” tế bào của lỗ chân lông. Trên bề mặt da, nó tạo thành một nốt mụn màu trắng xấu xí, có kích thước khá lớn, gọi là mụn mủ.
Bạn nên cẩn trọng khi xử lý mụn mủ.
Để điều trị mụn mủ, nguyên tắc cốt lõi là không nặn cho tới khi đầu trắng xuất hiện rõ. Đây mới chỉ là giai đoạn mụn sắp “chín”, nếu nặn với bàn tay chưa vệ sinh sạch sẽ hay nặn không hết nhân, tình trạng viêm nhiễm sẽ trở nặng, lan sang cả những nang lông bên cạnh.
Mụn u nang
Đây được xem là tình trạng mụn viêm nghiêm trọng nhất và thường gây ra hậu quả nặng nề cho làn da. Mụn u nang rất lớn, hình thành theo từng ổ và chứa nhiều mủ bên trong nên khá mềm. Khi chẳng may chạm vào mụn, bạn sẽ cảm thấy rất đau.
Mụn u nang như những bọng nước lớn trên da.
Mụn u nang có nguy cơ để lại các vết sẹo rỗ và tình trạng nghiễm trùng cao. Muốn điều trị chúng, cần sử dụng những loại thuốc đặc trị như accutane hoặc isotretinoin. Do đó, bạn nhất định phải tìm đến sự tư vấn điều trị của các bác sĩ da liễu.
Tổng hợp
Ảnh: Internet