10 đặc sản miền Tây sông nước không "đụng hàng" với bất kỳ nơi đâu

15:54 26/08/2023

Do đặc trưng môi trường và thổ nhưỡng nên đồng bằng sông Cửu Long có nhiều món ăn đặc trưng nổi tiếng vừa ngon, vừa lạ, không "đụng hàng" với bất kỳ vùng miền nào khác. Nếu có dịp đến với vùng đất ven sông này, bạn đừng quên nếm thử vị ngọt của cá cơm nướng, vị đắng của dưa cải, lẩu mắm,... Những món ăn dân dã mang hương vị đặc trưng của miền Tây sông nước. Hãy cùng YAN điểm danh Top 10 món ăn nhất định không được bỏ lỡ khi tới đây. 

Lẩu mắm

Nhắc đến ẩm thực miền Tây không thể bỏ qua món lẩu mắm với hương vị độc đáo, hấp dẫn mọi du khách gần xa. Điều đặc biệt của món ăn này nằm ở chỗ chỉ có mắm miền Tây (nhất là vùng Châu Đốc - An Giang) mới có thể chế biến ra món ăn chuẩn vị. Lẩu mắm miền Tây không hề mặn như cái tên của nó, đổi lại món ăn có vị ngọt đậm đà, thơm ngon. 

 
Lẩu mắm miền Tây ngon nức tiếng. (Ảnh: Ngôi sao)
Lẩu mắm miền Tây ngon nức tiếng. (Ảnh: Ngôi sao)

Để chế biến được món lẩu mắm chuẩn vị, khâu chọn cá để làm mắm đặc biệt quan trọng. Loại cá được sử dụng phổ biến để làm món lẩu này là cá linh và cá sặc. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây thì chỉ có loại cá này mới không gây mùi tanh và khó chịu cho người ăn. Nếu có dịp đến miền Tây, lẩu mắm là món ăn chắc chắn bạn không nên bỏ lỡ. 

Cá lóc nướng trui

Được thiên nhiên ưu đãi, miền Tây trù phú với vô vàn những loài cá nước ngọt, phải nói rằng đây là nơi cá đầy sông, tôm đầy ruộng. Phổ biến nhất không thể không nhắc tới cá lóc. Cá lóc nướng trui là món ăn dân dã được yêu thích ở vùng đất này. Thịt cá sau khi nướng rất chắc, thơm ngọt. Để tăng thêm độ hấp dẫn, người ta thường chấm muối hột trộn với ớt để cảm nhận hết hương vị của loại đặc sản trứ danh này. Ngoài ra, người dân đồng bằng sông Cửu Long còn ăn cá chấm với mắm me.  

 
Cá lóc nướng thơm ngon nhiều người yêu thích. (Ảnh: Review)
Cá lóc nướng thơm ngon nhiều người yêu thích. (Ảnh: Review)

Đuông dừa

Đây là món ăn trứ danh tạo nên văn hóa ẩm thực độc đáo của miền Tây Nam Bộ. Đuông dừa sống trong thân cây dừa nên rất sạch và có nhiều protein có lợi cho sức khỏe. Có nhiều món ăn được chế biến từ đuông dừa thơm ngon, hấp dẫn: đuông dừa tắm nước mắm cay, đuông dừa lăn bột chiên giòn, gỏi đuông dừa, đuông dừa rang mặn, nấu xôi... 

 
Đặc sản trứ danh miền Tây. (Ảnh: Travel News 24h)
Đặc sản trứ danh miền Tây. (Ảnh: Travel News 24h)

Canh chua bông điên điển

Đây là một trong những món ăn đặc trưng nhất của miền Tây mùa nước nổi. Cá để nấu canh người dân nơi đây thường chọn cá lóc, cá bông lau, cá diêu hồng nhưng ngon nhất và điển hình nhất trong mùa lũ chính là cá linh. Món ăn là sự kết hợp hoàn hảo giữa bông điên điển giòn, có vị bùi, ngọt dịu, cá béo ngậy hòa quyện với vị chua thanh từ me, cay nồng từ ớt kèm theo mùi thơm nức mũi từ các loại rau thơm đã làm nên món canh chua cá linh bông điên điển đậm đà hương vị. 

 
Món canh chua đậm chất miền Tây. (Ảnh: Cooky)
Món canh chua đậm chất miền Tây. (Ảnh: Cooky)

Bông súng mắm kho

Người xưa có câu: "Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm". Đây là món ăn đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, gắn liền với địa danh Đồng Tháp được nhiều du khách tới đây khẳng định hội tụ tất cả tinh túy của hương đồng gió nội vùng sông nước. Để nấu được mắm kho bông súng thật ngon, người dân nơi đây chọn lựa nguyên liệu rất kỹ lưỡng, phải là bông súng trắng, cọng nhỏ, chắc khỏe. Mắm kho phải là loại mắm cá sặc đồng đặc sản của Đồng Tháp. 

 
Bông súng mắm kho, đặc sản miền sông nước. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Bông súng mắm kho, đặc sản miền sông nước. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Gỏi sầu đâu cá sặc

Gỏi sầu đâu cá sặc là món ăn dân dã quen thuộc của người dân nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ như Kiên Giang, Trà Vinh hay Cà Mau, được chế biến bằng 2 nguyên liệu chính là lá sầu đâu và khô cá sặc. Với người mới ăn món này có thể thấy hơi đắng, tuy nhiên, khi nhai kỹ sẽ cảm nhận được vị chua ngọt của nước mắm me kết hợp cùng mùi thơm lừng của khô cá sặc tạo nên một món ăn tuy đơn giản nhưng không thực khách nào cưỡng lại được.

Ba khía muối

Ba khía sống ở môi trường nước lợ, nơi các cửa sông, cửa rạch đổ ra biển, có nhiều nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu... Muốn ăn ba khía muối ngon, sau khi rửa sạch và tách ba khía muối ta phải cho nước chanh vào trước, trộn đều và để khoảng 15 phút, sau đó lần lượt đưa các gia vị: tỏi, ớt, đường, bột ngọt, rau răm rồi trộn đều. Đặc biệt, để món ba khía muối ngon hơn nữa, ta đánh tan 1 đến 2 lòng đỏ trứng gà trộn với nước cam tươi và thay đường bằng mật ong sẽ làm cho món ba khía muối thêm béo và thơm hơn.

 
Ba khía trộn nổi tiếng miền Tây. (Ảnh: Chợ Tốt)
Ba khía trộn nổi tiếng miền Tây. (Ảnh: Chợ Tốt)

Đặc sản "vũ nữ chân dài"

Đến miền Tây, nghe tên món "vũ nữ chân dài" hay còn gọi khô nhái hẳn ai cũng ấn tượng. Khô nhái có thể chế biến thêm được nhiều món ngon khác như khô nhái nướng trên bếp than hồng, chiên giòn, khô nhái chiên bơ tỏi hoặc cầu kỳ hơn là "vũ nữ chân dài" chiên nước mắm. Món ăn có vị ngọt, cay cay, mặn mặn, béo giòn rất đặc trưng, khi thưởng thức ăn kèm với tương ớt, rau sống. 

 
Món ăn nhất định nên thử. (Ảnh: Đặc sản miền Tây quê tôi)
Món ăn nhất định nên thử. (Ảnh: Đặc sản miền Tây quê tôi)

Bánh tằm bì

Bánh tằm bì có hương vị thơm ngon, dai mềm, là món bánh gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân Nam Bộ. Sợi bánh được chế biến từ bột gạo dẻo mịn nấu thành từng sợi và hấp chín, khi ăn kết hợp với rau thơm, nước cốt dừa béo ngậy, nước mắm chua chua cay cay ăn kèm với bì heo dai dai giòn giòn khiến cho người ăn như bị "thôi miên" bởi hương vị mới lạ, kích thích vị giác. 

 
Thực khách mê mệt với món bánh tằm bì. (Ảnh: Miền Tây quê tôi)
Thực khách mê mệt với món bánh tằm bì. (Ảnh: Miền Tây quê tôi)

Bánh Pía

Đây là món bánh nổi tiếng được nhiều người biết đến của vùng đất miền Tây, nổi tiếng nhất chính là bánh Pía Sóc Trăng, thường được du khách mua về làm quà. Bánh được làm bằng bột mì và đường kính, điểm đặc biệt ở nhân bánh có thể là sầu riêng, đậu xanh, khoai môn và lòng đỏ trứng vịt muối cùng một vài loại mứt khác. Khi ăn vị ngọt vừa phải, thơm bùi, là thức quà tuyệt vời không thể bỏ lỡ. Ngày nay, thương hiệu bánh Pía Sóc Trăng đã có mặt ở hầu hết các tỉnh trên cả nước nhưng ngon và đặc sắc hơn cả vẫn phải là loại bánh được làm từ chính con người, chính từ vùng đất này.

 
Bánh Pía hương vị "gây nghiện". (Ảnh: Lữ hành Việt Nam)
Bánh Pía hương vị "gây nghiện". (Ảnh: Lữ hành Việt Nam)

Ẩm thực miền Tây đa dạng, phong phú và có nét đặc trưng vùng miền khó mà tìm thấy ở một nơi nào khác. Các thành viên của Cột Sống Gen Z còn chần chừ gì mà không lên kế hoạch "phá đảo" ẩm thực miền sông nước thôi nào!

Ẩm thực miền Tây mang nét đặc trưng riêng, vô cùng khác biệt so với các vùng miền khác. Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều món ăn với hương vị khác nhau. Từ vị chua, cay, mặn, ngọt, cho đến món ăn có một chút đắng. Điều đặc biệt làm nên ẩm thực miền Tây chính là sự tươi ngon đến từ các nguyên liệu mà chỉ ở đây người ta mới tìm được.

Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY